Bình tắm nước nóng (còn gọi bình tắm nóng lạnh) là đồ dùng phổ biến ở nhiều gia đình, khách sạn, khu nghỉ dưỡng… nhưng là một trong những thiết bị gia dụng có độ an toàn thấp, vì có thể gây rò điện, phỏng nước cho người sử dụng nếu thiết kế và vận hành sai nguyên tắc.
Nhiều tai nạn ở nhà, khách sạn
Phản ánh đến báo Sài Gòn Tiếp Thị mới đây, chị Nguyễn Dịu Huyền (TP.HCM) cho biết vợ chồng chị vừa có chuyến nghỉ dưỡng tại một resort ở Nha Trang. Trong một lần sử dụng máy nước nóng trong nhà tắm phòng nghỉ, nước bất ngờ nóng đột ngột khiến chị phỏng da khá nặng. Ban quản lý resort đã cho nhân viên đến kiểm tra và sơ cứu cho chị Huyền, sau đó giải thích chị bị phỏng do lỗi áp suất nước của hệ thống bình tắm. “Theo kết quả chẩn đoán của bác sĩ tôi bị phỏng độ 2 (diện tích 3%). Tôi đã gọi điện thoại trao đổi với quản lý khu resort nhưng đến giờ vẫn chưa thấy họ có ý kiến sẽ bồi thường gì cho tôi…”, chị Huyền bức xúc.
Trước đó, báo chí từng phản ánh nhiều tai nạn thương tâm do bị điện giật khi sử dụng máy nước nóng. Ông I., 41 tuổi, du khách Pháp khi nghỉ tại một khách sạn đã bị điện từ bình nóng lạnh trong nhà tắm giật chết tại chỗ. Chị N., 31 tuổi, ngụ ở TP.HCM cũng thiệt mạng vì máy nước nóng của một khách sạn trên Đà Lạt rò điện. Còn tại gia đình anh T., ở quận Tây Hồ (Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm do bình hở điện, khiến con anh và người giúp việc tử vong trong lúc tắm.
Có lỗi do thiết kế, lỗi do cách dùng
PGS.TS Hoàng Đình Chiến, hội đồng khoa học khoa Điện – điện tử , đại học Bách khoa TP.HCM cho biết, nguyên lý hoạt động của máy nước nóng là sử dụng dây đốt (điện trở) để làm nóng nước. Hiện có hai loại bình: loại đun nước gián tiếp trong thùng chứa riêng, khá cồng kềnh nhưng có độ bền cao; và loại đun trực tiếp nhỏ gọn, nước được làm nóng trực tiếp qua bình bằng điện trở trong thời gian ngắn. “Với bình đun nóng gián tiếp, cần tắt điện trước khi tắm để đảm bảo an toàn. Còn bình đun nóng trực tiếp phải luôn cắm điện khi sử dụng nên khả năng giật điện cao hơn. Hiện đa số bình nóng lạnh đều có thiết bị chống giật nhưng vẫn cần lắp thêm mạch bảo vệ”, PGS Chiến nói.
Theo TS Trần Quốc Thạch, hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam, nhiều người có thói quen mở điện bình nóng lạnh suốt ngày, vì nghĩ đã có rơle ngắt điện mà không biết rơle chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước, không có chức năng chống điện rò ra nước. “Chính việc cắm điện liên tục khiến dây mayso dễ hư hỏng do quá tải, dẫn đến rò điện”, TS Thạch lý giải.
Cũng theo TS Thạch, các bộ phận của máy đều có thể bị ăn mòn, bong tróc gây rò điện. Do dây điện lắp chung với ống dẫn nước, dùng lâu ngày vỏ dây dễ giòn, nứt gây rò điện; gioăng cao su cách điện nối giữa dây mayso, vỏ bình với dây dẫn điện cũng có thể bị nứt, bong tróc gây thấm nước, dẫn điện ra bên ngoài. “Nước càng bẩn thì khả năng dẫn điện càng lớn. Nếu bình nóng lạnh bị rò điện, điện lại tiếp xúc với nước bẩn thì nguy cơ bị điện giật cao hơn nước sạch”, TS Thạch nói.
Để phòng tránh rủi ro
Loại máy nước nóng trực tiếp có thể làm nóng nước ngay khi vận hành từ 4 đến 10 giây. Máy nước nóng gián tiếp thì cần đến 20 phút. Mỗi loại có một tính năng riêng nên bạn cần hiểu chúng để có thể sử dụng lâu dài.
Thông thường, máy nước nóng trực tiếp có tuổi thọ cao hơn, hình dáng lại nhỏ gọn, đẹp nên được nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra, người ta cũng phân biệt máy có hay không bộ phận chống điện giật. Vậy khi chọn mua và sử dụng, bạn hãy lưu ý:
- Với máy nước nóng trực tiếp, loại diện tích bình đun càng lớn thì càng có lợi, vì máy có thể tăng khả năng chịu áp lực khi nước dao động hoặc yếu.
- Bình đun bằng đồng có tuổi thọ lâu hơn bình bằng nhựa tổng hợp cao cấp, tuy nhiên, nó sẽ bị oxy hóa khi sử dụng ở nguồn nước có phèn.
- Nên chọn loại máy có khả năng chống bỏng, chống giật, có chế độ bảo hành tốt. Hệ thống chống giật (ELCB) có thể nằm trong máy hoặc phía ngoài, nối với nguồn điện. Khi có hiện tượng rò rỉ hoặc có xung điện, ELCB sẽ tự ngắt nguồn, bảo vệ an toàn cho cả người và thiết bị. Những sản phẩm giá rẻ thường không có bộ phận này.
- Treo máy nước nóng cố định trên tường, cách sàn nhà tắm 1,5 m và cách bồn tắm từ 2 m trở lên. Sau một thời gian không sử dụng máy, khi dùng lại, bạn cần kiểm tra đường nước, đường điện, vòi sen. Kiểm tra bộ phận chống giật thông qua 2 nút Test và Reset. (Nhấn nút Test, sau đó nhấn Reset và cho máy hoạt động. Nước nóng sau 5 giây nghĩa là bộ phận này còn hoạt động tốt).
- Làm vệ sinh máy mỗi tháng 1 lần. Cách ly sâu bọ và cách ẩm bằng chất hút ẩm.
Sử dụng máy nước nóng sao cho tiết kiệm và an toàn là điều cần thiết cho mọi người, nhất là khi mùa đông đã đến, việc sử dụng máy nước nóng thường xuyên hơn với mọi gia đình. Mong rằng qua bài viết trên, mọi người sẽ biết thêm được những thông tin hữu ích để phòng tránh và tự bảo vệ bản thân cũng như gia đình thân yêu của mình.