Đây là một trong những yếu tố cần đặc biệt quan tâm. Hầu hết sự cố về máy nước nóng đều bắt nguồn từ nguyên nhân: Người sử dụng chủ quan, tự mua, tự lắp đặt và lắp đặt không đúng kỹ thuật.
Khi lắp đặt, cần sử dụng công tắc lưỡng cực theo đúng tiêu chuẩn CEI – EN để ngắt dòng điện. Tùy thuộc vào công suất của máy nước nóng mà phải sử dụng tiết diện dây dẫn phù hợp. Tiêu chuẩn này nhằm mục đích an toàn trong truyền tải điện, tránh tình trạng dây dẫn bị quá tải, gây nóng dây có thể làm chảy dây và chạm mạch, dễ dẫn đến sự cố cháy nổ điện.
Một yếu tố quan trọng nữa là máy nước nóng phải được tiếp đất vĩnh viễn. Các hộ gia đình Việt Nam đa phần không có sẵn hệ thống dây, cọc tiếp đất nên thường bỏ qua yêu cầu kỹ thuật này. Trường hợp đó, người sử dụng nên trang bị một cầu dao chống rò điện ELCB.
Không chỉ chọn nhãn hiệu tốt, lắp đặt đúng kỹ thuật mà trong quá trình sử dụng, bạn cũng thường xuyên phải thực hiện chế độ bảo trì và kiểm tra máy định kỳ. Nên làm vệ sinh máy mỗi tháng 1 lần. Nếu sử dụng thường xuyên hàng ngày, sau mỗi tháng, nên kiểm tra bộ phận chống giật thông qua 2 nút Test và Reset trên máy nước nóng (Nhấn nút Test, sau đó nhấn Reset và cho máy hoạt động. Nước nóng sau 5 giây nghĩa là bộ phận chống giật hoạt động tốt). Trường hợp sau một thời gian không sử dụng máy, khi dùng lại, bạn cần kiểm tra đường nước, đường dây điện, vòi sen cẩn thận trước khi dùng.
Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào từ máy nước nóng (các nút không hoạt động, tiếng động bất thường…) lập tức nên ngưng sử dụng và tìm đến đơn vị bảo hành để được hướng dẫn. Tránh tình trạng tự mày mò sửa chữa rồi… dùng tiếp vì khi đó, thiết bị không còn đảm bảo về độ an toàn cho gia đình bạn nữa.